Gà là loài vật đã gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Việt từ bao đời nay. Hình ảnh của con gà đặc biệt là gà trống hiện diện nhiều trong nền văn hóa. Trong văn hóa phương Đông, gà là một trong 12 con giáp với biểu tượng Dậu và cũng nằm trong lục súc. Hình ảnh con gà của dân gian truyền lại qua các thế hệ vô cùng ý nghĩa, nó mang giá trị văn hóa của dân tộc.

Nhìn về quá khứ, gà là loài vật được thể hiện khá nhiều trong họa tiết tranh vẽ, đặc biệt tranh Đông Hồ nổi tiếng cũng nhờ gà. Trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, gà được nhắc đến với tư cách là một trong 3 lễ vật thách cưới của vua Hùng. Nếu ai muốn làm chồng Mỵ Nương thì phải sắm lễ “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Trong dân gian gà trống được ví như tướng mạo quân tử với 5 đức tính: Văn, Võ, Dũng, Nhân và Tín (Vì đầu gà trống có mào giống như cái mũ (mão) và ở dưới mỏ cũng có hai cái mào nhỏ nhìn như cánh chuồn của ông tiến sĩ nên người xưa xem đó là biểu tượng cho văn. Chân có cựa sắc bén như gươm giáo, đây chính là vũ khí của con gà trống và người xưa xem đó là võ. Con gà trống trong đàn sẵn sàng đánh nhau để bảo vệ đàn của mình và sẵn sàng chí tử đến chết, đó là biểu tượng cho dũng khí. Con gà trống đầu đàn khi tìm được thức ăn thì bao giờ cũng gọi bạn bè, nhất là gà mái và đàn gà con cùng đến ăn, đó là nhân. Ban đêm, gà trống gáy từng canh đúng giờ, đó là tín). Gà còn đi vào cuộc sống con người bằng những câu thành ngữ khá gần gũi, quen tai, mượn hình ảnh con gà để nói về con người như: “Gà trống nuôi con”, “Cõng rắn cắn gà nhà”, “Bút sa gà chết”, “Khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”… Thành ngữ gà mái gáy thường dùng với tính chỉ trích, nói lên người đàn bà tiếm dụng hay làm phận việc của đàn ông. Ngược lại, người đàn ông góa vợ, phải chăm lo cho con thì tiếng Việt gọi là gà trống nuôi con. Trong bài Nắng mới, Lưu Trọng Lư có tả về gà. Chế Lan Viên từng viết về cái tâm trạng nhớ quê da diết khi nghe tiếng gà gáy và tiếng gà gáy trong thơ Việt Nam, khác biệt với tiếng cuốc, tiếng oanh, hay tiếng nhạn trong thơ Đường.
Đuôi gà trống có lông dài vào vồng lên, cũng là đặc điểm của gà trống. Trong văn hóa người Việt, trong trang phục phụ nữ miền Bắc ngày xưa khi vấn khăn thì để chừa ra một đoạn tóc đầu cùng bỏ buông lơi, gọi là “tóc đuôi gà”. Kiểu tóc này là một nét đẹp được nhiều người ưa thích.

Vào thời Tây Sơn, tương truyền Nguyễn Lữ là người đã sáng tạo ra môn võ Hùng kê quyền (quyền gà chọi) hay Hồng kê quyền, là bài quyền mô phỏng các kỹ thuật của gà chọi, một trong 10 bài danh võ được Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam lựa chọn qua các kỳ hội nghị chuyên môn toàn quốc. Đặc trưng của bài quyền là những động tác dũng mãnh của con gà chọi nhỏ bé mà nhanh nhạy trước đối thủ, bài Hùng kê quyền sử dụng ngón tay trỏ để đâm mô phỏng hình mỏ gà, và các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà. Thủ pháp độc đáo như vậy lại nhằm vào những mục tiêu hiểm của đối thủ, như các huyệt đạo, ngực, hầu,… Bộ pháp của bài hết sức linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển một cách biến ảo đã hỗ trợ cho việc thi triển thủ pháp một cách kiến hiệu, khiến đối thủ luôn phải hứng chịu những đòn thế mang tính sát thương cao.

Hình ảnh con gà trống mạnh khỏe, hoạt bát, có bộ lông đẹp, mào đỏ chót luôn hiện diện trong đời sống tâm linh của người Việt. Trong lễ khởi công, động thổ, thôi nôi,… gà là vật tế các vị thần linh, đất trời với lời cầu nguyện kiến tạo như ý. Trong các lễ cưới, hỏi hay mâm cơm cúng gia tiên, gà là một trong những thực đơn hàng đầu không gì có thể thay thế được. Đặc biệt, dịp tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, nhà nhà đều thịt con gà trống choai đẹp nhất để cúng gia tiên cầu mong năm mới vạn sự tốt lành.
Phòng PR – Cao Khanh
Nguồn: Tổng hợp