Khi nhắc đến Bình Định, chúng ta không thể không nhắc đến đặc sản “Gà Thả Vườn” hay gọi vui là “Gà Đi Bộ”. Bởi vì chăn thả tự nhiên nên gà có không gian để hoạt động và ăn nhiều thức ăn tự nhiên, cộng thêm giống gà nuôi là giống gà ri (gà ta) địa phương nên chất lượng thịt thơm ngon, săn chắc khiến cho thực khách không thể không nhung nhớ khi được thử một lần. Không dừng lại ở đó, hiện nay các huyện miền núi của tỉnh đang đẩy mạnh nuôi thử nghiệm gà thả đồi nhằm tận dụng được địa hình và giải được bài toán kinh tế nông nghiệp cho người dân địa phương. Nếu thành công thì “Gà Thả Đồi” chắc hẳn sẽ được ghi vào danh sách đặc sản mới của miền đất võ Bình Định.
Thả đồi là phương pháp chăn nuôi gà không còn mới hay xa lạ ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Nuôi gà thả đồi cũng phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật, nhưng ở đây gà được thả đồi nên tận dụng được nguồn thức ăn tươi là các loại côn trùng và cây cỏ tự nhiên. Mật độ nuôi thưa nên dịch bệnh ít xảy ra và chi phí đầu tư cũng ít hơn gà nuôi nhốt. Gà sau một ngày bay nhảy, kiếm ăn khắp quả đồi, đêm về ngủ trên cây. Khi nào mưa bão chúng mới vào chuồng.Việc gà đồi sinh hoạt, sống hoang dã như vậy tạo ra chất lượng thịt gà ngon, rất khác so với tất cả các loại gà ta nuôi nhốt hoặc nuôi thả khác. Việc nuôi gà ta thả đồi không quá vất vả, tuy nhiên cần phải chặt chẽ ở khâu kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là chọn nơi cung cấp gà con giống uy tín để tránh tình trạng hao hụt lớn trên đàn gà.
Nhận thấy tiềm năng về kinh tế vườn của vùng đất trung du đang ngủ yên, Bình Định đã đánh thức tiềm năng vùng đất quê hương bằng nhiều chính sách hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn người dân chọn giống gà ta nuôi thích hợp với mô hình nuôi gà thả đồi thay vì nuôi gà nhốt chuồng. Đây là hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi và trở thành động lực phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.
Phòng PR-Cao Khanh